[Sách] Ngọc kiến chi mĩ – Lý Ngọc Cương


Ngọc kiến chi mĩ – Quyển I

Một cuốn sách về lữ trình văn hóa Trung Quốc.

Người dịch: Shuyi

Bản dịch hoàn toàn vì mục đích phi thương mại.

Lời tựa

Tôi gặp Ngọc Cương lần đầu tiên trong bữa tiệc sinh nhật lần thứ 75, nghĩ lại đã là chuyện 5 năm trước. Khương Côn dẫn một người trẻ tuổi lại đây, giới thiệu với tôi đây chính là Lý Ngọc Cương. Lúc ấy khách quá đông, không có thời gian nói chuyện nhiều. Tuy mới gặp một lần nhưng để lại cho tôi ấn tượng rất tốt. Cậu ấy trời sinh mi thanh mục tú, tính cách điềm đạm không màng thế nhân, lời nói không nhiều mà lại lộ ra khí chất nho nhã.

Tôi biết về cậu ấy trước lần gặp mặt này, khúc “Tân Quý Phi túy tửu” của cậu ấy tôi nghe đã thuộc. Tôi cũng rất thích “Quốc sắc thiên hương” và “Liên hoa” ra đời sau đó, đặc biệt là “Liên hoa” tuyệt đẹp, có thể nói là trăm nghe không chán. Sau “Liên hoa”, cảm giác tâm cảnh của cậu trở nên tĩnh lặng và bình thản hơn, thêm vài phần thần ý và thấu hiểu nội tâm.

Sau chúng tôi cũng gặp nhau vài lần, qua lại thường xuyên liền thành bạn vong niên. Lúc cậu ấy rảnh rỗi thường tới phòng tranh thăm tôi, tuy càng ngày càng nổi tiếng, nhưng vẫn khiêm tốn như cũ, bản sắc không thay đổi, tôi cho rằng điều đó thật hiếm có. Sau cậu đạo diễn và chủ diễn vở kịch sân khấu “Chiêu Quân xuất tái”, tôi vì cậu ấy viết bốn chữ “Chiêu Quân xuất tái”, cậu ấy rất vui, chắp tay cảm tạ liên tục.

Trong nhà tôi có không ít đĩa nhạc của Ngọc Cương, có cái là cậu tự mang tới tặng, cũng có cái là nhờ người đưa tới. Trong ấn tượng gần như mỗi năm cậu đều cho ra đời tác phẩm mới. Nhìn ra được, đây là một người trẻ tuổi cực kỳ ưu tú, chấp nhất theo đuổi và nhiệt tình yêu thương nghệ thuật, thật sự đáng quý. Trong giới kinh kịch tôi cũng có rất nhiều bạn bè, nhưng tôi yêu sâu sắc diễn xuất và giọng hát của cậu ấy, dùng phương pháp đương đại giải thích hợp lý nghệ thuật văn hóa truyền thống Trung Quốc, điều hiếm gặp ở các nghệ sĩ biểu diễn trẻ.

Tôi đã từng kinh qua nhiều lĩnh vực sáng tác nghệ thuật, trừ hội họa còn có như dệt nhuộm, làm gốm, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến di sản văn hóa phi vật chất. Ngọc Cương cũng rất say mê loại di sản văn hóa phi vật chất này, một khi có cơ hội gặp mặt liền thỉnh giáo tôi một số vấn đề về gốm sứ, đối với văn hóa truyền thống, cậu ấy luôn khát lòng hiếu học. Tôi biết về sở thích thưởng trà của cậu ấy khá muộn, vì thế tặng cậu một chiếc ấm tử sa tôi yêu quý nhiều năm nay, cũng viết dòng chữ “tiểu đệ Ngọc Cương tồn”, nghe nói chiếc ấm này cậu vẫn luôn yêu quý luyến tiếc dùng.

Ngọc Cương là một người biết tiếc duyên, nhớ tới mỗi lần chúng ta gặp nhau nói đến nhiều nhất là về văn hóa truyền thống cùng sáng tác nghệ thuật, cậu ấy có thể cày sâu cuốc bẫm trên con đường sáng tác nghệ thuật, là nhờ sự siêng năng cần mẫn theo đuổi văn hóa truyền thống. Mong cậu ấy sẽ từ “Ngọc kiến chi mỹ” một lần nữa khởi bước, tiến xa hơn, lâu hơn trên con đường thăm dò đương đại văn hóa truyền thống.

Hàn Mỹ Lâm

6.2016

Duyên khởi

Như nhà Phật đã giảng, chúng sinh hữu tình. Một khi khởi tâm động niệm, một khi gặp được người, được cơ hội phù hợp, sẽ thể hiện ra, hóa thành một tồn tại hữu hình.

Ví dụ như quyển “Ngọc kiến chi mỹ” bạn đang cầm trên tay.

Chớp mắt tôi đã ra mắt được mười năm, trong mười năm này tôi đã đắp nặn nên vô số hình tượng người đẹp cổ đại. Mà những nhân vật này, đều đến từ trong dòng chảy lịch sử sâu xa của Trung Quốc. Nhiều năm đắm chìm trong nghiên cứu hình tượng nhân vật, trang phục, hoá trang, đạo cụ, phụ kiện; trong việc tìm tòi nghiên cứu nghệ thuật sân khấu, những điệu múa, tắm mình trong ánh đèn… Trong quá trình không ngừng theo đuổi nghệ thuật, tôi từ một người bình thường chập chững tìm hiểu về nghệ thuật, rồi chìm đắm vào đó, và dần dần nhận ra nghệ thuật và văn hóa đã trở thành tất cả cuộc sống của tôi.

Ngoài diễn xuất, tôi bắt đầu học tập gốm sứ, thực hành thư pháp, bản thân cũng nhiệt tình yêu thích chữ viết và hội hoạ truyền thống…… Vẻ đẹp của văn hoá truyền thống Trung Quốc, thâm sâu tựa biển, bác đại như sông, khiến tôi say mê trong nó, không thể tự thoát ra được.

Tôi vẫn luôn tự hỏi, một cổ quốc xa xôi có quá nhiều tinh túy văn hóa, mà trong thời đại công nghệ hiện nay, chúng ta mỗi ngày trăn trở bắt kịp dòng chảy của thế giới, cũng mất đi bản thân. Làm thế nào để thêm nhiều người biết đến vẻ đẹp văn hoá truyền thống Trung Quốc? Làm thế nào để có thể lợi dụng lực ảnh hưởng hữu hạn của tôi chia sẻ vẻ đẹp truyền thống Trung Quốc ra ngoài? Vấn đề này đã trở thành nỗi lòng của tôi từ bao lâu nay. 

Người xưa nói, một người vui không bằng mọi người cùng vui.

Tâm nguyện này đã được thành tựu ban sơ khi tôi viết xuống những con chữ này.

Lý Ngọc Cương

7.8.2016








Ngọc kiến chi mĩ








Chương 1: Kiến trản

Sự đời vẫn luôn kỳ diệu như thế, đủ các loại duyên phận tình cờ.

Ai có thể ngờ đây, sở dĩ tôi bắt đầu cuộc hành trình văn hoá này lại chỉ bởi một chiếc Kiến Trản. 


Phần 1:

1. Long diêu ẩn giữa núi rừng

2. Mảnh vỡ và thời gian

Phần 2:

3. Phong ba Kiến trản

4. Lần đầu thử chế trản

5. Quá trình chế tác Kiến trản


Phần 1:

1~ Phù sinh như mộng chốn thiền tự Thiên Tâm Vĩnh Lạc 

2~ Một gốc mẫu thụ đại hồng bào – “một thấy còn hơn trăm nghe” 

3~ Mải miết kiếm tìm “Nham cốt hoa hương”

Phần 2:

4~ “Hồng trà” đang rực sắc hồng 

5~ Ngô Phu – Cuộc hành trình của năm người đàn ông

6~ Mưa bụi “Hạ Mai” 


 

Chương 2: Tìm đường tới Võ Di Sơn

Đạo trong bùn lầy, đạo cũng ở núi sâu. Hỏi đạo thưởng trà, đạo cũng ở trong trà.

Trong đắng chát thể ngộ tự tại, trong ẩn nhẫn thấu hiểu sinh trường.


Quê hương của tôi ở Thành phố Công Chúa Lĩnh tỉnh Cát Lâm, là một thành phố Đông Bắc nhỏ vô cùng xinh đẹp. Khi còn bé, tôi vô số lần mặc sức tưởng tượng, dọc theo tuyến đường sắt chạy ngang quê, có thể đi tới một phương xa xôi tràn ngập hi vọng.

Tôi là một đứa trẻ nông thôn chính cống. Khi còn bé, vừa đến mùa đông, cha luôn thích dùng chiếc ấm sứ tróc men uống trà. Hợp tác xã chỗ chúng tôi lúc ấy chỉ bán một loại trà, loại trà đó cực kỳ thơm, chính là trà hoa nhài.

Trong ấn tượng, chỉ có Tết, cha mới uống trà, cũng hầu như là bảo tôi đi mua. Vì nhà nghèo, mỗi lần chỉ mua một bọc nhỏ.

Mua trà về, tôi liền lẳng lặng ngồi cạnh nhìn cha pha trà. Ông dùng tay bốc một nắm nhỏ, thả vào trong bình tráng men, nhanh chóng rót nước nóng, một mùi thơm thoang thoảng tỏa ra trong phòng. Cha nhấc bình men lên nhấp vài ngụm, trên mặt lộ vẻ hài lòng.

Có khi, tôi cũng năn nỉ cha cho tôi uống hai hớp. Nhưng trà vừa vào miệng liền trở nên vừa đắng vừa chát, khi còn bé tôi thật sự không hiểu, cha sao lại thích cái hương vị vừa đắng vừa chát này chứ?

Sau khi lớn lên, tôi mới dần sáng tỏ. Trong cuộc sống không có đắng chát tuyệt đối, chỉ cần bạn biết cách nếm trải, trong đắng chát tự khắc sẽ có hương thơm.

Chương 3: Tìm về trà giữa non nước trời mây

Kiếm tìm là một loại tình cảm khác, giữa dòng chảy xiết của quá khứ và tương lai, cách xa huyên náo, rời khỏi thế tục, chạm vào vô tận một ma trận những chấm nhỏ yên tĩnh và cảm động.


Trở về từ Vũ Di Sơn, tôi đắm mình trong thiền ý của trà, rất lâu mới có thể thoát ra.

Theo mô tả của nhà văn Nhật Bản Okakura Tenshin, trà đạo Nhật Bản là một loại hình tôn thờ “sự không hoàn thiện”, một sự thăm dò nhẹ nhàng để chạm tới sự hoàn mỹ nào đó trong cuộc sống – mà chúng ta đều hiểu là không thể nào hoàn hảo.

Vậy tư tưởng văn hóa trà đạo của người Trung Hoa là gì? Trà và tâm hồn, tinh thần của con người hiện đại làm sao để phù hợp đây?

Phần 1:

1~ Mộng viên Nam Kinh

2~ Ngâm nga một khúc “Bạch Cục”

3~ Một góc an nhàn vui đùa bên đám trẻ

Phần 2:

4~ Lần đầu gặp tơ khách

5~ Chìm nổi và đổi thay

6~ Nghệ nhân thủ công – già trẻ tụ hội


 

Chương 4: Bí ẩn của gấm tơ

Gấm lụa có lịch sử từ 5 đến 6 nghìn năm ở Trung Quốc.

Ngay từ giữa thời đại đồ đá mới, Trung Quốc đã bắt đầu nuôi tằm và quay tơ.


Vào ngày 9 tháng 7 năm 2013, tôi lại đến Paris.

Chuyến đi tới Paris này do nhà thiết kế thời trang Lawrence Xu mời tham gia show diễn đầu tiên của anh trong Tuần lễ thời trang cao cấp Paris. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi bước lên sàn diễn chữ T, hơn nữa còn ở kinh đô thời trang hàng đầu thế giới – Paris.

Tại show thời trang “Hoa cẩm tú cầu” nổi tiếng này, tôi là người đầu tiên xuất hiện trong bộ lễ phục Trung Quốc, vô số ánh đèn sân khấu ập tới tôi như dời non lấp bể, khiến tôi cảm thấy hơi khó chịu.

Những người mẫu chuyên nghiệp tắm mình trong ánh hào quang rực rỡ của họ trên sàn chữ T, nhưng tôi thì khác, khán giả dưới khán đài hoàn toàn không biết tôi là ai, chứ đừng nói đến giới tính, mãi đến khi chương trình kết thúc mới bừng tỉnh đại ngộ.

Kiệt tác ban đầu của Lawrence Hứa là “Long bào” được thiết kế riêng cho Phạm Băng Băng, đã khiến khán giả có mặt tại Liên hoan phim Cannes vô cùng ngạc nhiên. Lần này anh ấy đã cải tiến một bộ trang phục giúp tôi và đặt tên nó là “Chiêu Quân xuất tái”, chuẩn bị cho vở kịch sân khấu sắp tới của tôi “Chiêu Quân xuất tái” ở Bắc Kinh.

Lawrence Hứa sử dụng một loại vải truyền thống của Trung Quốc là “Vân cẩm” cho show thời trang quốc tế của mình, mang vẻ đẹp ung dung hoa quý của phương đông, đồng thời nhờ ý tưởng thiết kế độc đáo, khiến buổi trình diễn của anh ấy trở nên rực rỡ lóa mắt, có một không hai.

Mấy năm nay, Lawrence Hứa tiên sinh vẫn luôn kề cận “Vân cẩm”, anh dành tình cảm đặc biệt cho Vân cẩm, mà “Vân cẩm” cũng thành tựu anh bước lên đỉnh cao của thời trang quốc tế.

Hứa tiên sinh nói duyên phận của anh và Vân cẩm, nên từ một đoạn Tình Văn vì Bảo Ngọc vá áo cừu trong “Hồng Lâu Mộng”, do đó lúc còn trẻ anh đã lên đường tới cổ thành Nam Kinh tìm kiếm loại vải dệt này. Vân cẩm chân chính chỉ có thể dệt bằng tay, không thể thay thế bằng máy móc, từ xa xưa đã có câu nói “tấc cẩm tấc vàng”.

Trong show diễn thời trang lần này, anh vận chuyển một khung dệt Vân cẩm khổng lồ từ Nam Kinh, Trung Quốc tới Paris, Pháp và đặt nó trên sân khấu làm bối cảnh, đưa văn hóa cổ Trung Quốc lên sân khấu thế giới.

Chương 5: Trò chuyện với giấy Tuyên

Tôi thường ví sân khấu tôi theo đuổi giống như một bức họa.

Bởi vì yêu thích hội họa, lúc rảnh rỗi tôi thường cầm cây bút, bôi bôi xóa xóa, thể hiện một số cảm xúc cá nhân.

Lúc ở Bắc Kinh, nhờ duyên tôi quen biết hai anh em Liễu Hải Hoa, Hải Phong, công ty “Giấy Tam Lư Uông thị” của họ vô cùng nổi tiếng.

Cũng nhờ đó, tôi có duyên được tới quê hương của giấy Tuyên – huyện Kính, Tuyên Thành, An Huy.


Trong lịch sử, quy trình sản xuất giấy Tuyên vô cùng phức tạp, mỗi một công đoạn đều độc lập. Về cơ bản, tất cả các quy trình làm giấy Tuyên đều chỉ được truyền miệng nhập tâm, từ thầy cho đồ đệ, rồi từ đồ đệ truyền lại cho đệ tử của mình, từ đời này sang đời khác.

Phần 1:

1. Tới nơi đất tổ

2. Pháp trong “cổ pháp”

3. Trò chuyện với mặt trời

Phần 2:

4. Xóm núi nhỏ dày văn chương

5. Nhất Âm – Thiền âm